Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Các lòai bò sát rừng Cà Mau

Bò sát ở rừng U Minh Hạ có khoảng 30 loài, trong đó có hơn 10 loài có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới, bao gồm: Rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang, rắn mái gầm, rắn hổ hèo, trăn gấm, trăn mốc, trăn đất, tắc kè, rùa răng, kỳ đà, trúc (tê tê). Đã từ lâu, trong dân gian truyền tụng nhiều câu chuyện về giống hổ mây khổng lồ nửa hư nửa thực đến rợn cả người…

Trút (tê tê)

Rùa nắp

Có thể nói các loài bò sát ở rừng U Minh Hạ rất phong phú, đa dạng và nổi tiếng cả nước từ xưa đến nay trên 3 phương diện: Sự huyền bí, sự độc hại và sự hấp dẫn của một số món ăn đặc sản.

Chiếm số lượng đông đảo nhất của loài bò sát là họ hàng nhà rắn. Rắn độc gồm: hổ mang chúa, hổ mang, mai gầm, hổ mây, rắn lục… những loài rắn này cắn vào người và động vật – nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ tử vong ngay. Các loài rắn ít độc hơn gồm: hổ hèo, hổ hành, hổ ngựa, cạp nông, cạp nia, làng cang, rắn gáo, hổ sậy… Những loài rắn không độc gồm: Ri tượng, ri cá, bông súng, rắn nước… Họ hàng nhà trăn có: trăn gấm, trăn mốc, trăn đất, trăn nưa. Họ hàng nhà rùa có: rùa vàng, rùa quạ, rùa nắp, rùa răng (rùa sen), cần đước. Ngoài ra, còn có hai loài khác là kỳ đà và trúc (tê tê).

Đặt lợp bắt rùa

Kỳ đà

Tất cả các loài bò sát nêu trên từ các loài rắn, rùa, kỳ đà, trúc đều là món ăn đặc sản cực kì hấp dẫn và bổ dưỡng. Vì thế, chúng bị con người săn lùng ráo riết nên số lượng ngày càng ít đi và nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nói về các loài rắn ở rừng U Minh Hạ, không thể bỏ qua huyền thoại về loài rắn hổ mây. Trong danh mục động vật rừng Cà Mau của Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau có liệt kê tất cả các loài rắn, nhưng không hề thấy tên con rắn hổ mây cho nên ta cũng không biết tên khoa học của nó là gì, nhưng rắn hổ mây là loài có thật ở rừng U Minh Hạ. Theo những người lớn tuổi chứng kiến và mô tả thì hổ mây là loài rắn lớn nhất ở rừng U Minh Hạ, nó có màu xám mốc, trên thân nổi hột giống như hột mây nên gọi là rắn hổ mây. Loài rắn này có đặc điểm là khi di chuyển, thân hình thẳng đứng, chỉ có khúc đuôi là dưới mặt đất. Nhiều người kể rằng, ngày xưa khi rừng U Minh còn hoang vu, thỉnh thoảng người ta bắt gặp rắn hổ mây tát đìa bắt cá bằng cách: đầu rắn quấn vào cây bên này, còn đuôi rắn quấn vào cây bên kia mương, toàn thân uốn cong để tát nước và bắt cá ăn. Không biết thật hư như thế nào, nhưng huyền thoại rắn hổ mây tát đìa thì cư dân cả vùng rừng U Minh Hạ ai cũng biết.

Ông Huỳnh Văn Kịp hiện là Chủ tịch Công đoàn Khu Du lịch Sông Trẹm, kể lại: mùa khô năm 1984-1985 xảy ra cháy rừng lớn trên địa bàn rừng tràm Sông Trẹm, một con rắn hổ mây dài trên 4m, nặng trên dưới 40kg đã bị trọng thương, được thợ săn Ba Ngôn cùng sự giúp sức của nhiều người bắt sống được và đem về nuôi ở LNT Sông Trẹm, nhưng sau đó đã chết.

Rắn Mai Gầm

Trăn Gấm

Chuyện nhiều người bắt được rắn hổ mây nặng hàng chục ký không phải là chuyện hiếm ở rừng U Minh Hạ. Và chuyện gây xôn xao dư luận ở miền rừng gần đây là một số nhân viên chốt kiểm lâm cơ động của Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã nhìn thấy một con rắn đầu cất cao khỏi đọt tràm và miệng đang ngoạm một con chồn. Họ không biết là rắn gì nhưng nghi là rắn hổ mây. Câu chuyện không biết có thật hay không, nhưng đã làm sống lại huyền thoại về rắn hổ mây vốn đã bị lãng quên từ nhiều năm qua.

Rắn là loài xuất khẩu có giá trị, nọc rắn quý hơn vàng. Ở U Minh có rất nhiều người thạo nghề bắt rắn và giỏi về thuốc trị rắn cắn.

Hiện nay ở U Minh Hạ, các loài bò sát nói chung và rắn nói riêng số lượng đã bị giảm sút nhiều, đe dọa nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái. Nhiều người đã tiến hành nuôi nhân tạo rắn, rùa, kỳ đà… nhưng mức độ thành công chưa cao.

Các loài bò sát là vốn quý của rừng U Minh Hạ, cần được giữ gìn, chăm sóc và bảo tồn!

NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét