Cà Mau là tỉnh tận cùng của đất nước, nhìn vào bản đồ Việt Nam, vùng đất ấy trông như mũi tàu của Tổ quốc. Với diện tích 530 nghìn ha và số dân là hơn một triệu người, cũng như 63 tỉnh, thành phố của cả nước, Cà Mau cũng có những tiềm năng cho sự phát triển kinh tế mà những tỉnh, thành phố khác không thể có.
Ngoài vị trí đắc địa có thể coi là một thế mạnh về mặt địa hình, Cà Mau được xem như một bán đảo với ba mặt giáp biển, dài 254 km, có khả năng phát triển du lịch miệt vườn sinh thái. Ngoài ra, Cà Mau còn có 108 ha rừng phòng hộ, hai rừng quốc gia là U Minh và Đất Mũi vừa được thế giới công nhận là rừng sinh quyển vào ngày 30-4-2010 vừa qua... Nhưng ngay cả với những thế mạnh đó thì chỉ cách đây ba, bốn năm, Cà Mau vẫn bị xem là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Thời gian đó nói đến Cà Mau, Minh Hải là nói đến sự khó khăn và vất vả. Câu thành ngữ 'nghèo như Cà Mau' không phải không có cơ sở. Trước năm 2006, GDP của Cà Mau nhặt nhạnh lắm cũng chỉ đạt 200 tỷ đồng, hạ tầng giao thông vừa thiếu vừa yếu, hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay trong gần 40 xã của Cà Mau có đường ô-tô. Chỉ có hai huyện là Cái Nước và Tân Bình trong tổng số gần chục huyện có đường ô-tô đến huyện, lỵ. Điện sinh hoạt lại càng hạn chế hơn với con số khó tưởng tượng, toàn tỉnh chỉ có 14% hộ dân có điện. Cơ cấu kinh tế của Cà Mau tỷ lệ nông nghiệp chiếm từ 70 đến 80%. Ngay cả thế mạnh về nuôi trồng thủy sản thì với 250 nghìn ha nuôi tôm cũng đa phần là quảng canh theo lối tự nhiên nên năng suất rất thấp, chỉ đạt xấp xỉ một phần ba năng suất nuôi trồng theo phương pháp hiện đại. Mặc dù du lịch Cà Mau mang sẵn thế mạnh, tiềm năng về biển đảo, về hai rừng sinh quyển nhưng hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng cơ sở quá nghèo nàn nên không phát huy được. Tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng. Để tạo điều kiện cho Cà Mau 'cất cánh', Chính phủ và các bộ, ngành đã sớm quyết định đầu tư cụm khí - điện - đạm Cà Mau, biến vùng đất sình lầy với tràm và đước thành một khu công nghiệp hiện đại.