Từ chương trình nghị sự thành lập mới các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, trong đó có khu dự trữ sinh quyển tại Mũi Cà Mau, của một hội thảo quốc tế về “quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển và các khu di sản thế giới tại Việt Nam” diễn ra ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên vào tháng 12-2006, nên đầu năm 2007, UBND tỉnh Cà Mau đã làm tờ trình gửi Ủy ban UNESCO Việt Namvà Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam xem xét cho tỉnh Cà Mau lập hồ sơ khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau với 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Đất Mũi và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Được sự đồng ý và với sự giứp đỡ của các chuyên gia, tỉnh Cà Mau đã thành lập Ban chỉ đạo, gấp rút hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để Ủy ban UNESCO Việt Nam trình lên Ủy ban UNESCO quốc tế tại Pari vào tháng 4-2008.
Nhân sự kiện này, Báo Ảnh Đất Mũi xin giới thiệu loạt phóng sự ảnh về rừng ngập nước Cà Mau - bao gồm rừng đước và rừng tràm, để góp phần quảng bá cho quá trình xúc tiến thành lập khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau.
Kỳ 1: RỪNG NGẬP MẶN
Rừng ngập mặn Cà Mau là một hệ sinh thái độc đáo và đa dạng, đứng hàng thứ hai thế giới, sau rừng Amazôn của Nam Mỹ. Rừng là một thảm thực vật bao gồm nhiều loại cây: Đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, nhiều loại dương xỉ và dây leo… trong đó đước là loài cây chiếm đại đa số và có giá trị kinh tế cao nên còn được gọi là rừng đước.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Trí – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) – Phó Chủ tịch MAB Quốc tế, cùng với phái đoàn Ủy ban UNESCO Việt Nam khảo sát Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để làm tham mưu cho UBND tỉnh lập hồ sơ khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Diện tích rừng ngập mặn Cà Mau luôn có sự biến đổi theo thời gian và ngày càng thu hẹp dần do chiến tranh, do thiên tai và do áp lực dân số. Theo cáctài liệu cũ ghi chép lại thì năm 1945, rừng đước Cà Mau có diện tích 200.000ha, trong đó có 144.500ha rừng giàu được các kỹ sư thủy lâm người Pháp lúc đó quy hoạch thành các khu rừng kinh doanh vĩnh viễn và hơn 50.000ha rừng không xếp hạng.
Trong chiến tranh chống Mỹ, rừng Cà Mau nói chung và rừng ngập mặn nói riêng bị tàn phá nặng nề. Chỉ tính trong khoảng 10 năm, từ 1961 - 1971, Mỹ đã sử dụng 44 triệu lít chất độc màu da cam, 20 triệu lít chất độc màu trắng và 8 triệu lít chất độc màu xanh lơ ở khắp miền Nam Việt Nam, thì đã có tổng số 1/5 số ấy được rải xuống rừng ở Cà Mau. Nên sau ngày đất nước được giải phóng, theo số liệu thống kê vào tháng 4-1983 rừng ngập mặn diện tích chỉ còn 129.530ha và theo số liệu mới nhất được thống kê vào năm 2006 thì tổng diện tích có rừng chỉ còn 59.537ha, trong đó riêng huyện Ngọc Hiển là 34.166ha, diện tích còn lại được phân bổ ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân và Trần Văn Thời.
Rừng phòng hộ
Và cũng theo số liệu thống kê mới nhất vào năm 2006 của Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau thì hiện rừng ngập mặn Cà Mau có 22 loài cây, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 14 loài tôm, 175 loài cá, 133 loài động thực vật phiêu sinh.
Rừng ngập mặn Cà Mau còn có một mảng rừng phòng hộ ven biển kéo dài từ đông sang tây (từ Bạc Liêu xuống tới Mũi Cà Mau và đi dọc sang biển Tây tới cửa biển Khánh Hội huyện U Minh) dài 307km, trong đó riêng tỉnh Cà Mau là 254km giúp ngăn chặn sự xâm thực của biển, chống xoáy lở, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái… Ngoài ra còn có một bãi bồi rộng lớn ở phía tây Mũi Cà Mau với tổng diện tích 6.456ha, mỗi năm lấn thêm ra biển hàng trăm mét làm cho đất nước ta thêm dài, thêm rộng; đồng thời, đây cũng là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thủy sinh - là nguồn cung cấp con giống thiên nhiên vô tận cho ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau.
“Vùng Đất Mũi Cà Mau có các hệ sinh thái hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là rừng ngập mặn và rừng tràm. Các hệ sinh thái này cung cấp nguồn con giống thủy hải sản tự nhiên cho cả một vùng rộng lớn phía tây nam của Tổ quốc và Vịnh Thái Lan. Việc đề cử Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau không chỉ tôn vinh giá trị đa dạng sinh học mà cả truyền thống lịch sử và văn hóa nơi tuyến đầu Tổ quốc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch sinh thái của địa phương, quốc gia và quốc tế. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển của Việt Nam ủng hộ kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau về việc xây dựng hồ sơ để xin công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới”.
(Trích thư phúc đáp của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi UBND tỉnh Cà Mau ngày 28-2-2007).
RỪNG NGẬP MẶN. KÌ 2: CÂY MẮM
Mắm là một trong những quần thể hình thành rừng ngập mặn. Cây mắm giá trị kinh tế không đáng kể, nhưng là loài cây tiên phong lấn biển và có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển của rừng ngập mặn.
Theo các nhà khoa học: Sự phát triển tự nhiên của rừng ngập mặn bắt đầu bằng sự tiến nhập của loài mắm. Chúng có sức sống rất mãnh liệt, từ những bãi bùn ngâm mình trong nước biển đến những khu đất rẫy cao đều xuất hiện mắm tái sinh. Vai trò lớn nhất của loài mắm là cố định đất, do bộ rễ được cấu trúc vững chắc ăn sâu xuống đất, nó có sức chịu đựng được sóng và gió, chịu được nước mặn ngập quanh năm.
Mắm là loài cây tiên phong lấn biển.
Mắm tái sinh và phát triển đến giai đoạn già cỗi thì suy vong, cây đước nhảy vào thay thế. Trái mắm già rụng xuống nước, nảy mầm, mọc rễ trong nước và trôi theo dòng nước phù sa, tấp vào các bãi bùn, bộ rễ bám vào, ngày càng phát triển, làm cho đất ổn định, rồi già cỗi và nhường đất lại cho cây đước. Cứ thế, hết đời này đến đời khác, mắm luôn là cây tiên phong trong việc lấn biển.
Họ hàng nhà mắm có nhiều loại: Mắm đen, mắm trắng, mắm ổi, mắm lưỡi đồng… Dọc theo bờ biển của các xã Viên An, Viên An Đông và ven bãi bồi xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển, mắm mọc thành rừng. Cây mắm là loài gỗ tạp, dùng để làm chất đốt là chính, tuy nhiên, lá mắm và trái mắm là thức ăn của cá, tôm, gia súc và cả con người.
Cây mắm chịu được môi trường ngập nước quanh năm.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đồng bào và chiến sĩ ta đã hái trái mắm, bóc vỏ, luộc đi luộc lại nhiều lần cho bớt đắng để ăn thay cơm. Và đặc biệt, khoảng tháng 8 - 10 (Âl) là mùa trái mắm chín rụng đầy sông, từng đàn cá dứa từ biển vào các cửa biển, cửa sông tìm ăn trái mắm và khi chúng ăn no, nổi phình bụng trên mặt nước, là lúc người dân địa phương lũ lượt dùng chĩa, bơi xuồng theo sông, ven biển đâm cá dứa. Cá dứa là một loài cá ngon, có giá trị kinh tế cao, con lớn nặng đến hàng chục ký.
Mắm còn là cây dược liệu có giá trị chữa bệnh. Vỏ của nó dùng để làm thuốc trị ghẻ và chữa bệnh phong. Theo Báo Nhân dân số ra ngày 19-3-1982 thì Bác sĩ Môrenno ở Cu Ba đã dùng vỏ cây mắm dưới dạng cao lỏng để chữa bệnh phong và đã chữa khỏi trong vòng 8 - 10 tháng đối với bệnh mới phát, đối với những bệnh nặng thì chữa khỏi 60% trong vòng từ 2 - 5 năm…
Và một điểm đặc biệt của cây mắm nữa là chịu được các loại chất độc hóa học. Trong chiến tranh, sau những trận rải chất độc hóa học của máy bay Mỹ, mọi loài cây đều bị hủy diệt, riêng rừng mắm chỉ rụng lá, sau đó nảy mầm và xanh tươi trở lại.
Cây mắm - cần có những công trình nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn của các nhà khoa học.
THANH DŨNG
RỪNG NGẬP MẶN : CÂY ĐƯỚC
Cây đước là thành phần chính của rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau. Đây là loài cây ưa mọc trên đất phù sa cận sinh, nhất là đất bùn mịn, có thủy triều lên xuống định kỳ, nước mặn hoặc lợ, khí hậu ấm áp. Đước là sắc mộc có giá trị cao nhất ở rừng ngập mặn Cà Mau.
Đước từ lúc ra hoa đến khi trái chín phải mất 6 tháng, trái đước nảy mầm từ lúc còn treo lơ lửng trên cây, khi rụng xuống được sóng biển trôi dạt khắp nơi, gặp nơi bùn lầy, trái đước trụ lại, rễ non bám vào phù sa, quá trình bén rễ cũng là quá trình nâng trái đước đứng thẳng lên. Sau 20 đến 25 ngày bám rễ trong đất, mầm đước đã có một búp non màu đỏ như lửa và xòe được hai lá xanh đầu tiên.
Từ khi trái đước rụng xuống đến khi khai thác được gỗ phải mất khoảng thời gian 20 năm, độ cao trung bình của đước từ 20 - 25m. Độc đáo của cây đước chính là bộ rễ. Đước có 2 loại rễ: Rễ cọc và rễ phụ. Rễ cọc thì nhỏ nhưng cắm sâu xuống lòng đất, còn rễ phụ (còn gọi là chang đước) thì rất lớn, mọc tua tủa quanh gốc cây, bám sâu vào lòng đất nhão, chính vì vậy mà cây đước luôn đứng vững trên đất sình lầy, gió rung chẳng chuyển, bão lay chẳng sờn.
Đước là loài cây có nhiều giá trị sử dụng: Làm cột nhà, xẻ ván, làm cột đáy bắt tôm cá và đặc biệt là than đước có giá trị kinh tế rất cao, năng lượng tỏa nhiệt chỉ sau than đá.
Ngoài ra, vỏ đước còn có hàm lượng ta-nanh rất cao, là đối tượng chú ý của ngành công nghiệp thuộc da, công nghiệp chế tạo thuốc nhuộm và công nghiệp làm giấy cao cấp…
Cây đước khi đã mọc thành rừng thì không có một loại cây gì có thể chen vào sống chung được nên rừng đước thường có sự phân chia lãnh địa riêng lẻ: đước ra đước, mắm ra mắm, chà là ra chà là… chúng sống chung trong môi trường là đầm lầy ngập mặn chứ không sống chung bên cạnh nhau. Đây cũng là điểm khác biệt của rừng đước so với các loại rừng khác.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cùng với rừng tràm, rừng đước Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là đầu não kháng chiến không những của Cà Mau mà còn là của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Nếu như cây tre là biểu tượng của làng quê Bắc Bộ thì cây đước, rừng đước là biểu tượng và là niềm tự hào của Cà Mau, bởi ngoài giá trị lâm sinh, nó còn gắn liền với lịch sử và văn hóa của một vùng đất - vùng đất Cà Mau như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Gió càng lay càng vững thành đồng”.
RỪNG NGẬP MẶN : THAN ĐƯỚC
Than đước ở Cà Mau có giá trị kinh tế rất cao, chỉ đứng sau than đá. Theo tài liệu thì nhiệt lượng của than đá là 8.000 calo thì than đước là 6.600 calo, nóng lâu và rất ít khói.
Ngày nay, khi nhiều nguồn năng lượng sạch ra đời như xăng, dầu, điện, khí ga… với giá rẻ và tiện dụng nên nguồn năng lượng than ít được chú trọng, nhưng xưa kia thì than được xem là số 1 và than đước ở Cà Mau được ví là kho vàng đen vô tận”.
Lò hầm than ở HTX hầm than 1-5, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển.
Theo tài liệu cũ thì từ năm 1932 - 1937 mỗi năm Cà Mau có khoảng 5.000 tấn than đước xuất khẩu sang Hồng Kông và từ năm 1938 - 1944, bình quân mỗi năm có 12.880 tấn than được sản xuất.
Cuối năm 1954, đầu năm 1955, bọn Diệm - Nhu bắt đầu với tay xuống Cà Mau để khai thác nguồn lợi than. Chúng thành lập công ty than đước Đắc Thành mà lúc bấy giờ bà con thường gọi là “công ty ăn giựt”. Nhiều chủ lò than bản xứ kết hợp với nhân dân tẩy chay công ty này và thành lập Hợp tác xã Than, quy định giá cả, không được chèn ép lẫn nhau, nhưng hoạt động được một thời gian ngắn thì bị tên tư sản ở Sài Gòn tên là Lâm Miên câu kết với Trần Lệ Xuân khai thác triệt để than củi ở vùng này. Chúng mở cúp và xây lò sản xuất than và năm 1959, đã sản xuất được 60.000 tấn than, những khu rừng nào chúng không quản lý được thì dùng chất độc hóa học hủy diệt. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau còn lưu giữ lại một số than đước của Trần Lệ Xuân, đây là chiến lợi phẩm của quân và dân ta trong một lần đánh chìm tàu chở than của chúng từ Cà Mau lên Sài Gòn.
Xà lan từ các tỉnh bạn đến mua và vận chuyển gỗ đước tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Khai thác gỗ đước ở LNT Kiến Vàng huyện Ngọc Hiển.
Xây dựng lò hầm than là cả một nghệ thuật, chỉ có người thạo nghề mới có thể xây được một lò than đúng tiêu chuẩn. Lò than thường được xây bằng gạch, hình bầu tròn, dày 30 phân, chiều cao khoảng 2 - 3m và có 1 cửa, có ống thông hơi để khói bay ra. Gỗ đước cắt còn khoảng 1m, cho vào lò dựng đứng, sau khi đốt lửa từ 4 - 7 ngày, người thợ ngửi và quan sát khói thì sẽ biết than trong lò đã chín hay chưa và quyết định bít cửa lò để chờ ngày lấy than.
Từ sau ngày giải phóng - 1975 đến nay, để bảo vệ và phát triển rừng, nhà nước địa phương đã cấm nghề hầm than hoạt động, nhưng khắp nơi đây đó trong rừng đước vẫn còn nhiều người lén lút hành nghề để mưu sinh, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rừng đước Cà Mau ngày càng bị mai một.
Đến tháng 2-2006, huyện Ngọc Hiển mới cho phép thành lập HTX hầm than 1-5 với quy mô nhỏ để quy tụ những người làm nghề hầm than trái phép tập hợp lại thành tổ chức, có quản lý, tận dụng nguồn gỗ cho phép hầm than nhằm hạn chế việc chặt phá rừng trái phép. Hiện HTX có 37 xã viên với 60 lò, nếu sản xuất đồng loạt và liên tục thì mỗi tháng cho ra lò khoảng 180 tấn than, nhưng HTX chỉ sản xuất được vài chục tấn than/tháng để bán nhỏ lẻ cho khách địa phương và các ghe hàng do không đủ nguồn nguyên liệu, do thiếu vốn…
Tuy mới ra đời hơn 1 năm, nhưng HTX hầm than 1-5 đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các tỉnh bạn, của Tp.HCM lên đến hàng trăm tấn than mỗi tháng và thậm chí có đơn vị còn đặt hàng bột than để sử dụng cho công nghiệp hóa chất với số lượng lớn nhưng HTX không đủ nguồn hàng để cung cấp. Qua đó cho thấy trong thời buổi hiện nay, cây đước đặc biệt là than đước vẫn còn giá trị kinh tế rất cao.
Rừng đước Cà Mau ngoài những khu cấm khai thác nghiêm ngặt để bảo tồn thì còn lại rất nhiều khu rừng để kinh doanh, nếu thiếu ý thức, không phát huy được lợi thế từ nguồn lợi than đước là điều đáng tiếc!
RỪNG NGẬP MẶN : DỪA NƯỚC
Cùng với cây đước, cây mắm thì cây dừa nước là một trong những thành phần chính của rừng ngập mặn Cà Mau. Nó sống được cả nước ngọt, nước lợ, nước mặn, nhưng phổ biến nhất là nước lợ - theo ven sông, nơi có nước thủy triều lên xuống.
Dừa nước là loài cây không chỉ quen thuộc ở Cà Mau mà còn ở nhiều tỉnh Nam Bộ. Nó không mọc tập trung thành rừng như cây đước, cây mắm mà mọc dài theo ven sông, kinh rạch. Thân mọc thẳng đứng từ dưới bùn lên rất hiên ngang, có tác dụng rất lớn trong việc chống xói lở, giữ đất. Trung bình lá dừa nước dài từ 4-5m, nơi nào tốt thì dài từ 7-8m. Trái dừa nước ra thành từng buồng hình cầu, màu nâu, trái non có phôi nhũ ăn rất ngon như trái thốt nốt. Trái khi già tự rụng, theo dòng nước trôi dạt vào bờ hoặc bãi bùn sẽ mọc mầm và phát triển, khoảng 3 năm sau thì cho thu hoạch lá. Mỗi bụi khi thu hoạch, chừa lại vài lá non và khoảng 6 tháng sau thì những lá non đó sẽ phát triển thành một bụi dừa nước xanh tốt. Ở Cà Mau, xưa kia người dân lợp nhà chủ yếu bằng lá dừa nước, vách cũng dừng bằng lá dừa nước. Do vậy, cây dừa nước có giá trị kinh tế khá cao, là nguồn huê lợi chính của rất nhiều hộ gia đình. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, nhiều nguồn vật liệu bền chắc ra đời, những mái nhà lá xưa kia được thay thế bằng những mái nhà ngói, nhà tol, thậm chí cả nhà lầu. Tuy nhiên, đối với người nghèo thì những mái nhà được lợp bằng lá dừa nước vẫn còn hiện hữu.
Có một điều rất lý thú là các bộ phận của cây dừa nước có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Tàu lá, bụp bè (phần gốc của tàu lá), cà bắp (chồi non), bông phèn (hoa), trái dừa nước - mang đậm đặc trưng của Nam Bộ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, rừng dừa nước là nơi che giấu ghe xuồng, nơi ẩn nấp của đồng bào, du kích và chiến sĩ ta để chiến đấu với kẻ thù. Trong cuốn sách Đường Hồ Chí Minh trên biển có kể lại một câu chuyện cảm động như sau: Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, khi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển được khai thông, nhiều ghe tàu vận chuyển vũ khí vào Nam hoàn thành nhiệm vụ, khi trở ra Bắc không hiểu vì lý do gì mà nhiều tàu lại mang theo dừa nước và vô tình phát tán nơi các bến cảng tàu của đơn vị neo đậu, nhiều bụi dừa nước mọc lên ở các bãi bồi ven sông ở Hải Phòng, Thanh Hóa. Nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc phát hiện và cứ chiều chiều lại kéo ra ven sông ngắm dừa nước, có người quả quyết rằng đây là dừa nước Nam Bộ. Sợ bị lộ, các cấp chỉ huy ra lệnh chặt bỏ hết, nhiều học sinh miền Nam đã khóc khi không còn thấy dừa nước - hình bóng của Nam Bộ, hình bóng của quê nhà.
Qua đó cho thấy, cây dừa nước quen thuộc và gắn bó với Nam Bộ, với Cà Mau biết chừng nào.
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sátSau hàng dừa nước, mái nhà ai?”.
RỪNG NGẬP MẶN: CÁC LOÀI CHIM
CÁC LOÀI CHIMRừng ngập mặn Cà Mau là nơi trú ngụ và sinh sản của rất nhiều loài chim, được xem là xứ sở của các vườn chim trên cả nước. Trước năm 1975, ở miền Nam có 6 vườn chim lớn thì chỉ riêng Cà Mau có 4 vườn, đó là Đầm Dơi, Chà Là, Cây Khô và Hiệp Hưng. Ngày nay, những sân chim này tuy không còn hiện hữu nhưng hàng loạt các sân chim khác đang hình thành và phát triển, trong đó có rất nhiều loài chim có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Đã có rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến rừng ngập mặn Cà Mau nghiên cứu về hệ sinh thái động thực vật - trong đó có các loài chim. Nhiều công trình chưa được công bố và cũng có nhiều công trình đã được công bố nhưng số liệu không thống nhất theo chiều hướng người nghiên cứu sau bao giờ cũng phát hiện thêm nhiều loài mới. Theo số liệu được công bố phổ biến trước đây thì rừng Cà Mau có 74 loài chim, nhưng theo danh mục được lập mới nhất của ông Nguyễn Trung Tấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau thì hiện rừng Cà Mau có 171 loài chim thuộc 36 họ, trong đó có 11 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam theo 3 cấp độ như sau: Loài sẽ nguy cấp có Cò lạo xám; loại hiếm có: Bồ nông chân xám, bạc má, giang sen, khoang cổ, cò ốc (cò nhạu), gà đãy Gia va, sả hung; loại bị đe dọa có: Le khoang cổ, nhàn mào, xẻo cá mỏ đỏ. Riêng chim xẻo cá mỏ đỏ từ trước đến nay chưa có tên trong danh mục các loài chim của Việt Nam và thế giới đã được ông Nguyễn Trung Tấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau tìm thấy và công bố gần đây.
Rừng ngập mặn Cà Mau còn có 7 loài chim có tên trong Sách đỏ thế giới theo 3 cấp độ: Bị đe dọa ở mức nguy cấp có cò Trung Quốc; bị đe dọa ở mức sẽ nguy cấp có: Bồ nông chân xám, cò lạo xám, gà đãy Gia va; gần như bị đe dọa trên thế giới có: giang sen, quắm trắng và dẽ mỏ cong hong nâu (một loài chim di cư).
Ó biển.
Sân chim Xóm Lò huyện Ngọc Hiển.
Hiện nay, hai sân chim lớn nhất ở Cà Mau đã từng vang tiếng một thời là Đầm Dơi (150ha) và Chà Là (trên 10ha) số lượng chim còn lại không đáng kể do sự tác động tiêu cực của con người, nhưng hiện đã được lãnh đạo của hai huyện Đầm Dơi và Cái Nước đang lập dự án để khôi phục lại. Tuy nhiên, ngoài hai sân chim này, ở Cà Mau hiện vẫn có trên 10 sân chim do tư nhân quản lý với diện tích từ vài hecta đến vài chục hecta, mà mỗi sân chim có từ vài ngàn đến vài chục ngàn con, được tập trung đông nhất ở 3 huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển. Ngoài ra, khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích trên 6.000ha là bãi săn mồi của các loài chim. Nơi đây, bất cứ mùa nào trong năm cũng đều có hàng ngàn các loài chim từ nhạn biển đến cò, giang sen, bồ nông… trú ngụ và tìm mồi thật đẹp mắt và ấn tượng.
Chim biểu hiện cho đất lành, cho sự thanh thản, tự do về bền bỉ. Đời sống của chúng làm cảnh sắc thiên nhiên thêm tươi đẹp và ý nghĩa. Chúng ta yêu chim và quan tâm đến đời sống của chúng là thêm yêu quê hương, xứ sở.
RỪNG NGẬP MẶN: CHIM BỒ NÔNG
Chim Bồ nông hay còn gọi là Bồ nông chân xám mà người dân địa phương gọi là Chàng bè, có tên khoa học là Pelecanus philippinensis là một loài chim quý có tên trong sách đỏ Việt Nam ở cấp độ hiếm, đồng thời còn có tên trong sách đỏ thế giới, ở cấp độ bị đe dọa mức nguy cấp.
Bầy chim Bồ nông trong vuông tôm của ông Tư Na ở thị trấn Năm Căn - huyện Năm Căn.
Có thể nói đây là loài chim lớn nhất ở rừng ngập mặn Cà Mau với trọng lượng mỗi con từ 3 - 6kg. Chúng sống theo đàn, mỗi đàn từ vài chục con đến vài trăm con. Trong cuốn Địa chí Minh Hải, tác giả Trần Thanh Phương đã mô tả: “Chàng bè đồ sộ, to như con ngỗng, đậu oằn nhánh cây lớn, mỏ màu đỏ, to bằng cổ tay”. Điểm đặc biệt là không ai biết chim bồ nông sinh sản ở đâu, chỉ biết là vào mùa mưa - từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, chim thường kéo về từng đàn săn mồi ở khu vực bãi bồi thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và một số vuông tôm ở Năm Căn, Ngọc Hiển. Khi hết mùa mưa, chúng lại kéo nhau đi và đến mùa mưa năm sau lại về và đã trở thành quy luật. Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, vào năm 2005 có một phái đoàn khoa học của Nhật Bản đến thăm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tháp tùng với đoàn còn có tổ phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, đoàn ra khảo sát bãi bồi đúng vào lúc có một đàn chim Bồ nông đông đến hàng ngàn con đang săn mồi trên bãi bồi, chúng dạn dĩ đến mức dù có la hét cỡ nào cũng không bay lên để cho phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam quay phim. Cuối cùng phải dùng còi hụ của ca nô chúng mới chịu bay lên rợp cả một góc trời, làm nức lòng các nhà khoa học Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Na (Tư Na) ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn có một vuông tôm khoảng 10ha, trong đó có 4ha rừng đước đã hình thành một sân chim với hàng chục loài - chủ yếu là cò với số lượng vài ngàn con. Ông đã gìn giữ và bảo vệ nghiêm ngặt nên chúng đã sinh con đẻ cái và ngày càng phát triển. Và điều đặc biệt là khoảng vài năm gần đây có một đàn chim Bồ nông khoảng trăm con về trú ngụ trong những tháng mùa mưa và chúng chỉ ở trong phần đất của ông mà không ở trên những miếng đất kế cận của những người khác. Ông cũng đã giữ gìn và bảo vệ chúng nghiêm ngặt. Ông cho biết, đã giăng câu bắt được hai con và đóng chuồng nuôi chơi và mỗi ngày phải cho mỗi con ăn 16 con cá phi (khoảng 2kg) mới đủ no. Nuôi được vài tháng thì kiểm lâm đến lập biên bản tịch thu vì đây là động vật hoang dã quý hiếm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được như ông Tư Na là giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên do trời ban tặng, chỉ bắt vài con để nuôi làm kiểng chơi mà nhiều người đã dùng các loại bẫy kể cả thuốc độc để tận diệt các loài chim làm nguồn thực phẩm, nên chúng ngày càng bị mai một dần và những loài quý hiếm thì ngày càng quý hiếm hơn và có khả năng bị tuyệt chủng.
Hãy giữ gìn và bảo vệ các loài chim - chẳng những cho chúng ta mà còn cho cả con cháu mai sau. Đó là thông điệp xin gửi tới mọi người.
rung ngap man
Rừng ngập mặn Cà Mau có khoảng 28 loài thú thuộc 12 họ, trong đó có nhiều loài quý hiếm cần được bảo vệ như: Vượn, mèo ri, cáo ngựa, cáo mèo, rái cá, khỉ. Ở phạm vi phóng sự này, chúng tôi chỉ đi sâu vào tìm hiểu hai loài là vượn - hay còn có tên gọi khác là voọc, lọ nồi hay cà khu - và khỉ. Cả hai loài đều rất quý hiếm và có tên trong sách đỏ Việt Nam lẫn thế giới, ở cấp độ bị đe dọa mức nguy cấp.
Cả rừng tràm U Minh Hạ và rừng ngập mặn (rừng đước) đều có khỉ sinh sống-chúng chỉ khác biệt đôi chút. Khỉ ở rừng U Minh Hạ thì bụng xanh, còn khỉ ở rừng ngập mặn thì bụng vàng và đuôi dài. Cả hai loài đều quý hiếm như nhau. Riêng ở rừng ngập mặn còn có voọc (vượn) mà dân địa phương thường gọi là cà khu hay lọ nồi là một loài đặc biệt quý hiếm.
Trước ngày giải phóng, rừng ngập mặn Cà Mau có rất nhiều khỉ, cà khu. Những người thợ rừng săn bắt được rất nhiều và mang ra chợ bán công khai - thời ấy chưa có khái niệm động vật hoang dã quý hiếm và cũng chưa có đạo luật nào ngăn cấm săn bắt thú rừng. Phương pháp săn bắt cũng rất đơn giản, có một câu chuyện kể như sau: Những người thợ đốn củi thường mang theo vật dụng, thức ăn dự trữ để dưới xuồng, nhưng sau khi làm xong công việc, trở lại xuồng thì bị bầy khỉ ăn hết thức ăn và còn lấy đi cả vật dụng, tư trang. Nhiều người đã gài bẫy hoặc dùng súng bắn nhưng cũng chỉ được một vài con vì chúng rất tinh khôn. Tình cờ có một người đốn củi nọ như thường lệ mang thức ăn đi theo vào rừng, mà trong thức ăn có món cá kèo kho ớt, sau khi lên rừng đốn củi xong, trở lại xuồng - nơi để thức ăn thì phát hiện hàng chục con khỉ mặt mũi chèm nhèm cứ xoay tròn theo chiếc xuồng, người thợ đốn củi ấy dùng cây đập chết hết đàn khỉ và phát hiện ra do chúng ăn cá kèo kho với ớt bị cay, nên dùng tay dụi theo bản năng và đã dụi tới mắt nên nước mắt, nước mũi trào ra và càng dụi thì càng không thấy đường nên người đốn củi đã dễ dàng giết chết hết bầy khỉ. Chuyện này được phổ biến và nhiều người đã dùng phương pháp này săn khỉ rất hiệu quả.
Đàn khỉ rừng được dẫn dụ ở Khu du lịch sinh thái 184.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, do nạn săn bắt tràn lan nên đàn khỉ ở rừng ngập mặn Cà Mau còn lại rất ít, chúng sống theo từng đàn nhỏ ở sâu trong rừng, rất ít khi con người nhìn thấy được chúng.
Ông Ngô Dũng Liên - nguyên Giám đốc Lâm Ngư trường 184, kể lại: Khoảng năm 1999, trong một cuộc hội thảo về rừng ngập mặn tại Cần Giờ (Tp.HCM), nghe bạn bè giới thiệu về phương pháp dụ khỉ, thấy hay hay nên ông đã về áp dụng thử. Đầu tiên, mua 5 con khỉ, trong đó có một khỉ con, sau một thời gian nuôi nhốt đã thuần, ông đã thả chúng ra và tới giờ cho ăn thì đánh kẻng. Một thời gian thấy có một số khỉ hoang dã ngoài rừng vào cùng ăn với đàn khỉ nhà, nhưng chúng rất nhát, hễ thấy bóng người là chạy trốn vào rừng. Dần dần, thấy có được thức ăn nhưng không bị làm hại, đàn khỉ rừng quen dần với bóng dáng con người. Từ 5 con khỉ nuôi ban đầu, đã dẫn dụ được 10, 20, 30 và hiện nay là khoảng 40 con khỉ rừng. Hiện đàn khỉ này rất dạn dĩ với con người, rất ấn tượng đối với khách tham quan du lịch.
Ngoài đàn khỉ này ra, ở Lâm Ngư trường 184 còn có một đàn voọc rất quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, mới chỉ phát hiện được khoảng 3 con, nhưng rất nhát, không dẫn dụ được.
Khỉ, voọc nói riêng và các loài thú ở rừng ngập mặn Cà Mau hiện nay còn rất ít, nên chúng cần phải được bảo vệ, bảo tồn.
Nguồn: Báo ảnh đất mũi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét