Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Đậm đà đặc sản Cà Mau

Chính sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển, sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn, ngọt và lợ, tạo cho vùng bán đảo Cà Mau một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nơi được xem là xứ sở của những đặc sản mà khó nơi nào có được.

Đến Cà Mau, sau những giây phút bồng bềnh trên những chiếc ca-nô cùng các anh "cao bồi" vùng sông nước, len lỏi trong các kinh rạch của rừng đước, hay tận hưởng bầu không khí trong lành của rừng U Minh Hạ với những cánh rừng tràm bạt ngàn, xanh thẳm hút tầm mắt, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú. Về Cà Mau, khách du lịch không chỉ dừng lại ngắm cảnh thiên nhiên mà còn tha hồ thưởng thức những đặc sản nơi đây.

Tôm khô một trong những đặc sản của Cà Mau. Ảnh: TUYẾT PHƯƠNG


Khi nói về đặc sản Cà Mau, hẳn không ai không nhớ đến tôm khô Rạch Gốc. Không chỉ có tiếng trong nước mà hiện nay tôm khô Rạch Gốc đã đặt chân đến các thị trường thế giới. Với tôm khô Rạch Gốc, chúng ta không chỉ được tận hưởng vị mặn, ngọt đậm đà của tôm mà ta còn tận hưởng bằng mắt màu sắc vô cùng hấp dẫn.

Để có được sản phẩm mang hương vị đặc trưng của rừng, biển, người dân Cà Mau có những bí quyết riêng khi luộc tôm. Tôm phải được luộc trong nước thật sôi từ 5-6 phút, rồi mới cho muối vào luộc tiếp khoảng 4 phút nữa mới đem ra phơi hoặc sấy. Tỷ lệ muối trong khi luộc là yếu tố quyết định, phải là người có kinh nghiệm thì sản phẩm làm ra mới vừa ăn mà vẫn giữ được hương vị của con tôm. Tôm khô có thể sử dụng ăn ngay hay dùng làm gỏi và trộn với dưa kiệu…

Hiện nay trên thị trường tôm khô được bán với giá từ 250-450 ngàn đồng/kg tùy theo kích cỡ.

Đặc sản cá khô của 2 vùng mặn, ngọt. Ảnh: T.PHƯƠNG


Nếu miệt biển có tôm khô Rạch Gốc, thì vùng U Minh Hạ từ lâu nức tiếng với khô cá bổi. Nguồn nguyên liệu được lấy từ tự nhiên và những kinh nghiệm làm khô được đúc kết từ lâu đời của người dân tạo nên sự hấp dẫn của sản phẩm này.

Khô cá bổi chỉ cần nướng lên là đã trở thành món ăn vô cùng độc đáo. Còn đem trộn với xoài chua băm nhuyễn thì không gì có thể so sánh được. Vị ngọt của cá, vị mặn của muối kết hợp với vị chua của xoài tạo nên một món ăn "không đụng hàng" của xứ sở U Minh Hạ.

Vào rừng U Minh trong những tháng mùa khô, chúng ta còn thưởng thức một đặc sản quý giá của rừng tràm đó là mật ong. Bởi lẽ, trong những tháng này mật mới thật sự ngon. Mật ong rừng U Minh chính hiệu đặc quánh có màu vàng cam nhưng lại trong suốt, vị ngọt thanh và dịu, có mùi hoa tràm rất đặc trưng. Ngày nay, người ta biết đến mật ong rừng U Minh như một loại thuốc trị bệnh, bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Khi kết hợp mật ong với các loại thức uống khác như: chanh, cam… thì hương vị không gì có thể so sánh được.

Nhiều người sành ăn khi đến Cà Mau không thể bỏ qua món mắm cá lóc. Theo nhiều người nhận định, mắm cá lóc làm gì ăn cũng ngon, dù ăn sống, chiên hay chưng với thịt. Còn nếu dùng làm lẩu ăn chung với rau choại và một số loại rau rừng khác thì chỉ ăn một lần là không sao quên được mùi vị đặc trưng của nó. Để mắm ngon, người làm phải là người hết sức tinh tế và cầu kỳ. Cá phải được làm thật sạch, lượng muối và loại muối cần lưu ý, thính thì được rang vàng giã mịn và quan trọng nhất là khâu cho đường và một ít rượu (sang hơn một tí là ướp mật ong). Phải kết hợp vừa đủ các gia vị thì mắm mới có mùi thơm của thính, vị mặn, ngọt béo của muối đường và cá trộn lẫn.

Cá sau khi muối khoảng 2 tháng được lấy ra trộn đều với thính, đường và một ít rượu mới cho vào vật đựng (lu) nén thật chặt. Nước muối cá được nấu lại và cho vào hủ mắm nhưng phải bảo đảm không cho nước muối thấm đến cá. Tiếp tục để thêm 6 tháng nữa là dùng được, mắm để càng lâu thì càng ngon.

Không chỉ vậy, khi đến Cà Mau chúng ta còn thưởng thức được nhiều món ngon không tưởng như: ba khía muối, cá lóc nướng trui, lươn um lá nhàu... và còn nhiều đặc sản nổi tiếng khác. Những món ăn dân dã mang đậm nét rất riêng của mũi đất Cà Mau sẽ "níu chân" du khách khi đến với Cà Mau./.

Nguyễn Phú
Nguồn: Baocamau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét