Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Một số món ngon Cà Mau

U Minh có cá nướng trui
Đây là một món ẩm thực nghe qua đã thích. Đến Cà Mau, muốn được thưởng thức, du khách nên có một chuyến về miệt rừng U Minh Hạ...
Về U Minh ăn cá nướng trui
Xem thêm: http://www.zing.vn/news/an-ngon/ve-u-minh-an-ca-nuong-trui/a25110.html

Ở Vùng U Minh Hạ, người ta thu hoạch được rất nhiều loài cá đồng và chế biến đủ cách thức để ăn, trong đó có món hấp dẫn, khó quên là cá nướng trui. Một trong những cách chế biến món ẩm thực ngon mà dân gian đã đúc kết được tự ngàn đời nay, khó quên là “nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc” Nhất nướng mà phải là cá nướng trui, một phương pháp ẩm thực động vật còn tươi sống. Trong các bữa ăn thường nhật của người dân miệt ruộng đồng, hễ bắt được cá lóc, cá dầy sống loại lớn là đối tượng được chọn trong món ăn này, ngoài ra cũng có khi nướng trui cả lươn, rắn, cá trê vàng hay cá rô mề...Món Cá nướng trui rất dễ làm. Nếu là mùa khô, bắt được cá, người ta dùng một nhánh cây sậy già hoặc tre, trúc, lụi xiên từ miệng đến đuôi con cá. Sau đó cặm xuống đất, tủ rơm rạ hoặc cỏ khô, rồi đốt (nếu là cá lớn khoảng từ 1kg trở lên thì cắm đầu con cá hướng xuống đất để cá tiếp xúc với lữa nhiều dễ chín, còn cá nhỏ thì cắm ngược lại). Khi toàn thân cá cháy đen, cũng là lúc cá đã chín. Dùng những cọng rơm rạ xếp đôi cạo bỏ lớp cháy bên ngoài thì món ăn xem như đã làm xong. Còn vào mùa mưa, người làm bếp tận dụng bếp than tràm còn lại của quá trình chế biến những món khác. Nướng cách này cá lại mau chín và chín hoàn toàn vì nhiệt lượng cao hơn lửa rơm rạ nên ăn rất ngon, tuy nhiên nó thiếu đi cái mùi rơm, mùi rạ - hương vị chân chất của hương đồng cỏ nội.

Những chất bổ dưỡng có trong thịt cá nướng trui chẳng những không bị mất đi khi chế biến, mà trong quá trình xử lý nhiệt đã thấm sâu vào từng thớ thịt, trở thành thứ gia vị tự nhiên cho món ăn, không cần phải thêm gia vị. Ăn cá nướng trui miệt U Minh Hạ phải có rau muống đồng, bắp chuối và còn rất nhiều loại rau đồng nhưng phải chấm muối hột với ớt mới đúng điệu. Rau đồng, là những thứ không mất tiền mua, chỉ đi quanh quẩn sau vườn hoặc ra ao nước, bờ ruộng là có.

Ngày nay, cá nướng trui không những là món ẩm thực dân dã của người dân miệt quê, mà ta vẫn thường bắt gặp trong thực đơn các nhà hàng sang trọng miệt thành thị, nhưng cách nướng đã có phần khác đi. Nhiều nhà hàng sử dụng lò vi-ba hoặc nướng bằng bếp than, đôi khi cả bằng bếp gas nên không ngon bằng nướng rơm rạ.

Đến Cà Mau, muốn được thưởng thức hương vị cá đồng nướng trui, xin mời du khách hãy về miệt làng quê U Minh Hạ.

tiepthi24h.vn - theo DUY THƯ


Rắn xào lá mướp
Đọc Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, hẳn bạn sẽ rất thú vị với đoạn viết về cha con ông già câu rắn và cảnh mọi người trong xóm xúm xít mua rắn về nấu cháo đậu xanh, chế biến các món ăn như thế nào. Là loài động vật quý hiếm rất cần được bảo vệ, rắn ở Cà Mau ngày một trở nên hiếm hoi.

Trước tình trạng này, phong trào nuôi rắn cũng đã phát triển ở các hộ gia đình, phong trào này mang đến nhiều lợi ích, vừa cung cấp rắn thịt cho các chợ, vừa góp phần duy trì nòi giống cho loài vốn rất quý này. Rắn bông súng là loài được nuôi phổ biến, ở các chợ. Đây là loài dễ nuôi và khá nhiều thịt, có thể nướng, xé phay, hoặc xào với lá bầu, lá mướp càng ngon.

Món này phải chế biến thật kỹ, nhất là khâu sơ chế. Lá mướp non rửa sạch cắt làm hai làm ba. Rắn làm sạch, thái lần lượt hai bên mình rắn để có được hai phần vừa thịt vừa da, xắt nhỏ thành từng miếng hình chữ nhật, để riêng; còn lại phần xương chặt thành từng khúc, úp xuống thớt và bắt đầu chặt từ hai bên vào phía xương sống, chặt từ từ cho những xương nhỏ mịn dần, chừa lại phần xương sống. Bằm thật mịn phần xương vừa chặt được, có thể bằm thêm chừng 100g thịt (thịt heo), sau đó là gia vị, tất cả trộn đều, vò viên để sẵn.

Để món này ngon và hấp dẫn hơn, cần thêm nghệ tươi xắt sợi (hoặc bột nghệ), xả bằm mịn, nửa trái dừa khô vắt lấy nước. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bắt tay vào chế biến cũng không khó khăn lắm. Bắc chảo nóng, phi tỏi thơm, cho phần thịt rắn, sả, nghệ vào cùng một lúc, bỏ cả phần xương sống vào chung cho món ăn thêm ngọt; nêm chút muối, bột ngọt, chút đường, đảo đều. Chờ cho thịt rắn săn lại, thấm đều gia vị mới bỏ nước cốt (nước hai) vào, để lửa riu riu, chừng thịt gần mềm, thả phần vò viên vào, nhẹ nhàng cho các viên không bị nát. Khi những viên xương rắn cũng vừa cứng và chín thì đến lượt lá mướp, lúc này phải cho lửa lớn lá mướp mới xanh, lá mướp vừa xìu thì đổ nước cốt dừa vào, nếm lại lần cuối rồi bắc xuống là vừa.

Món này vừa có sả, nghệ lại có lá mướp hương, nên mùi vị rất đặc trưng và ngon. Bỏ ra dĩa, nhớ gắp bỏ hết những cái xương sống không ăn được. Rắn xào lá mướp có thể làm món ăn dùng với cơm cũng ngon mà làm món nhắm cũng rất bắt.

tiepthi24h.vn - theo HƯƠNG ĐỒNG

Mắm cá lóc đu đủ, món ngon dân dã
Suốt chặng đường khai hoang mở đất của cư dân miền sông nước Cà Mau, đã có biết bao những biến đổi thăng trầm mang đậm dấu ấn thời gian, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, nét văn hóa đời sống cộng đồng cũng lớn dần và phát triển theo năm tháng…

Trong đó phải kể đến nét văn hóa ẩm thực của lưu dân từ nhiều miền đất nước tụ hội về đây, gắn chặt đời mình với tên người, tên đất Cà Mau, hòa quyện với thiên nhiên tạo nên những món ăn đặc sắc mang hương vị đồng quê không phải nơi nào cũng có. Đó là một nét riêng biệt của những loại đặc sản mà chỉ Cà Mau mới có và nổi tiếng xưa nay như: Ba khía Rạch Gốc, cua gạch Năm Căn, cá đồng U Minh…


Nhưng có lẽ đối với nhiều người, ai đã đặt chân đến đất Cà Mau mà chưa một lần nếm qua các loại mắm được chế biến từ con cá đồng miệt U Minh thì thật là hoài công…

Cứ như một chu kỳ của thời tiết trong năm, mỗi khi gió bấc trở mùa là báo hiệu một mùa “làm đìa” của người nông dân, thu hoạch các loại cá đồng về đìa sau một những ngày nước nổi đi kiếm ăn, đã tích tụ đủ năng lượng sống qua mùa khô hạn, đến khi sa mưa lại sinh sôi nảy nở. Cá thu hoạch được, lớp giữ lại để nhân giống, lớp đem bán cho thương lái. Nhưng người nông dân không quên giữ lại làm mắm, hoặc phơi khô dự trữ ăn dần… Trong đó “nhận mắm” phải là ưu tiên hàng đầu. Với món mắm cá lóc trộn đu đủ, sau khi những con cá no tròn được “nhận mắm” trong những lu, khạp đến độ bốc mùi thơm ngon, thịt mắm trông đỏ đượm, người ta bắt đầu dỡ ra trộn thêm thính được làm từ gạo rang giã nhuyễn, ướp thêm ít đường phèn, rồi nhận sang những cái hũ nhỏ là đã có một món mắm sống đặc sắc.

Thế nhưng, với tài chế biến món ăn của người dân Cà Mau, mắm sống trộn thêm đu đủ mới thật là ngon. Chọn những trái đu đủ vừa mới hườm hườm, nạo thành sợi mỏng rồi đem trộn với mắm cá lóc sau khi đã rọc bỏ xương và thái thành miếng mỏng và thêm vào một ít bì da heo. Mắm thấm vào những thứ gia vị, hòa quyện thành một mùi thơm đặc trưng, cho thêm ớt trái xắt mỏng. Khi ăn, trộn thêm một ít gừng già xắt sợi sẽ rất thơm ngon.

Món mắm cá lóc đu đủ ta có thể dùng với cơm, hoặc khi có khách dọn lên bàn tiệc cộng thêm vài trái chuối chát, khế, rau mùi… sẽ là một món nhắm tuyệt vời, mỗi khi xa quê ai mà không nhớ!

tiepthi24h.vn - theo THIỆU HƯNG

Đọt choại (rau chạy) xào tép
Ở Cà Mau vào những ngày đầu mùa mưa, khi rừng U Minh đã trải qua mùa nắng nóng khắc nghiệt, nước bắt đầu ngập xâm xấp dưới chân rừng, cũng là lúc các loài động vật sống dưới tán rừng như: trăn, rùa, rắn… mà đặc biệt là các loại cá đồng nhiều vô kể, đã nổi tiếng xưa nay của vùng U Minh Hạ, bắt đầu mùa sinh sản.

Các loài thực vật khô cằn cũng xanh tươi trở lại, báo hiệu một năm bình yên… Những ngày gian khổ giữ rừng với biết bao nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng qua đi, lại có dịp du ngoạn trong những cánh rừng bạt ngàn, ngắm nhìn thiên nhiên kỳ thú, rồi quây quần bên bếp lửa, thưởng thức hương vị đồng quê với những món ăn dân dã, được chế biến từ những đặc sản của rừng, sẽ cảm thấy hòa quyện với thiên nhiên, với con người Cà Mau…

Vào kỳ nghỉ hè, được về quê thưởng thức những món ăn ngon, thể nào cũng phải có món đọt choại xào tép. Choại là loại dây leo, thường sống trên thân cây tràm, dây choại người dân dùng để làm nhà, buộc các loại cột, kèo rất chắc chắn. Đối với nghề thủ công mỹ nghệ, dây choại dùng cho việc đan lát thì không thể chê vào đâu được, bởi loại dây này khi đã khô thì rất dẻo và dai.

Qua những cơn mưa đầu mùa, cũng như các loài thực vật khác, choại bắt đầu đâm chồi, đọt choại non xanh mơn mởn bám đầy trên những thân tràm. Chỉ cần xách rổ vào rừng mươi phút là có thể hái đủ cho một bữa ăn, chọn những đọt to tròn đem về rửa sạch, nếu cầu kỳ hơn một chút, khi có sẵn gia vị trong nhà thì nấu món lẩu mắm ăn nóng trên bếp than hồng, trụng từng mớ đọt choại xanh non vào lẩu, đến khi đọt choại vừa mềm gắp ra từng đũa thơm lừng thì thật là ngon.

Nhưng đối với người nông dân, vào mùa này rất bận cho mùa vụ, nên việc chế biến món ăn ngon đơn giản mà tiết kiệm được thời gian là điều cần thiết. Chỉ với một mớ tép bạc rửa sạch, lột vỏ xào chung với đọt choại, nếm cho vừa ăn là đã có một món ăn nhanh tuyệt ngon.

tiepthi24h .vn - theo BA ĐÌA

Cá chẻm hấp nấm, tương hột
Cá chẻm là một trong rất nhiều loài cá ngon ở Cà Mau. So với con cá đồng, giá cá chẻm mắc hơn, nhưng bù lại chất lượng thì không chê vào đâu được. Có lẽ vì thế cá chẻm hay được chọn chế biến vào các dịp đám tiệc, món phổ biến nhất là món cá chẻm hấp. Còn ở những bữa ăn gia đình, thường là cá chẻm chiên sả ớt, nấu canh chua hoặc kho.

Ngoài những cách chế biến thông thường trong gia đình, món cá chẻm hấp cùng với những thứ khác như : tương hột, nấm rơm, cà chua, thịt bằm... rất ngon. Cá làm sạch, để cho ráo, ướp gia vị cho thấm vào thịt cá, hấp cách thủy. Muốn ngon hơn, có thể để lên mình cá ít thịt bằm (thịt heo), hấp chung, kế đến là tương, rải tương phủ khắp mình cá (chỉ dùng phần hột, không dùng phần nước vì như thế món cá sẽ bị mặn), để thêm xung quanh cá cà chua xắt lát, nấm rơm. Hấp cách thủy chung tất cả các thứ cho đến khi con cá và thịt chín đều, thơm ngon.

Món này phải ăn nóng mới hấp dẫn. Ở các bữa ăn gia đình, nên ăn ngay khi vừa bắc món cá xuống khỏi bếp. Còn nếu là những bữa tiệc thịnh soạn hơn, có thể xếp cá ra một cái dĩa nhôm, đặt trên bếp than, hoặc bếp gas để lửa nhỏ. Nước chấm cho món này là nước mắm chua ngọt.

Bây giờ, cuộc sống ngày một khá lên, các món ăn cũng được chế biến cầu kỳ, chăm chút hơn. Nhưng không vì thế mà các nguyên liệu quen thuộc của xứ sở bị quên lãng. Món cá chẽm hấp này cũng thế, đặt cá đã hấp chín sẵn lên dĩa nhôm, có thể trang trí thêm một bông ớt sừng, ngò... Trông lạ mắt nhưng con cá chẻm thì vẫn ngon, vẫn hấp dẫn như từ lâu vẫn ngon. Gắp miếng cá vừa chắc thịt, vừa ngon ngọt mà nghe thấm thía làm sao hương vị của quê nhà.
Xem thêm: http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/html/news_detail.php?nid=1934
tiepthi24h.vn - theo HƯƠNG ĐỒNG


Khô Cá Bổi U Minh
Có nơi còn gọi là khô cá sặc rằng. Bởi con cá bổi cùng họ với cá sặc, nhưng trên thân nó có màu rằn ri nâu xám và chúng lại lớn hơn cá sặc rất nhiều, có con khi chưa thành khô có thể cân nặng nửa ký

Cá bổi là loài sống trong nước ngọt, nhưng thuộc nhóm cá đen (còn gọi là cá đồng) vì chúng chỉ sống trên các đầm lầy và đồng cạn (khác hơn các loại cá nước ngọt sống ở sông sâu, gọi là cá trắng).

Kho ca boi U Minh

Miền Tây Nam bộ là vương quốc của các loài cá nước ngọt, chứa đựng nguồn sản lượng lớn nhất nước.

Vùng nào của miền Tây cũng có cá bổi, nhưng tập trung nhiều nhất ở hai khu vực, vùng U Minh của bán đảo Cà Mau (hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) và vùng ngập lũ của sông Cửu Long. Sản lượng của hai vùng này không thua kém gì nhau, nhưng con cá bổi của vùng U Minh ngon hơn hẳn. Do con cá bổi chỉ ăn được phiêu sinh và rong tảo trong nước, mà U Minh là vùng đất sa bồi mới định hình, phần lớn mặt đất còn chìm ngập dưới mặt nước, lại được che phủ bởi rừng tràm trầm thuỷ, là môi sinh lý tưởng cho phù du, rong tảo.

Có lẽ phải mất nhiều thời gian mới phát hiện ra con cá bổi chỉ có thể làm khô mới thành món ngon và độc đáo. Đem kho nấu bình thường như các loài cá khác, thịt chúng lại nhạt nhẽo.

Khô cá bổi nướng lên, xé ra, loại bỏ phần xương, đem trộn với xoài sống băm sợi hay lá sầu đâu (một loài lá đắng tựa lá xoan đào, chỉ có nhiều ở vùng biên giới Châu Đốc) sẽ có món gỏi tuyệt hảo. Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần nướng, xé ăn với cơm nguội, cùng trái dừa xiêm giải khát… no hồi nào không hay.

Cá bổi U Minh thường được khai thác và chế biến vào mùa khô, khi con cá đồng về đìa. Khô phải là con cá tươi sống làm sạch vảy và ruột, ngâm trong nước muối (vừa mặn) chừng 1 giờ thì đem phơi . Muốn con khô ngon phải phơi được nắng, nhiều nhất 2 nắng, nếu kéo dài hơn thịt khô sẽ bủn bả, mất mùi thơm đặc trưng.

Ngày xưa người dân vùng U Minh có cách trữ khô cá bổi để ăn quanh năm. Đó là khi con cá đã đủ khô thì đem vùi vào trong bồ lúa, lúa sẽ hút ẩm và chống lên men cho con khô, khi nào cần ăn thì moi ra nướng, thịt vẫn đỏ au và không hề giảm chất lượng.

Muốn ăn khô cá bổi chính hiệu phải về U Minh mới có. Và vì rừng tràm bị tàn phá cùng với đồng đất chuyển sang lấy nước mặn để nuôi tôm, nên ngay U Minh, khô cá bổi cũng trở nên quý hiếm. Hiện nay, khô “bổi phệt” (loại cực lớn, từ 5 – 6 con/kg) có lúc giá lên đến hơn 280.000 đ/ký.

tiepthi24h.vn - theo Nguyễn Hải Tần

Cháo ong vò vẽ

Đất rừng phương Nam được thiên nhiên ưu đãi, tạo cho con người nhiều món ăn hấp dẫn, quý hiếm và nhiều bổ ích. Phổ biến có các món cháo như: Cháo cá lóc, cháo rắn, cháo lươn, cháo ếch....Nhưng đặc biệt nhất, trong đó có món cháo luôn được xem là món ăn rất bổ dưỡng và quý hiếm. Đó là món cháo ong vò vẽ.Ong tò vò vẽ có đặc điểm là toàn bộ tổ ong từ kèo ong, tàn ong đến ong chúa, ong non, ong đực, ong thợ đều được bao che bởi lớp vỏ giống như quả cầu hình tròn treo lơ lửng “tòn teng” trên cành cây và được cấu trúc bằng một loại sáp đặc biệt không thấm nước. Lối ra vào duy nhất của ong là một lỗ tròn nằm ngang hông của tổ, được xây dựng rất khéo, rất kỳ công, bên trong chúng thiết kế từng khu vực và dùng để khi trời mưa hay đêm đến chúng ngủ nghỉ. Các chú ong thợ được phân công ra án ngữ giữ miệng tổ, đặc biệt nước mưa không rơi vào được bên trong… Bình thường chúng rất hiền lành, tất cả đều siêng năng, chăm chỉ làm việc, ong nào nhiệm vụ nấy bay đi, bay về như con thoi, không giận hờn hay làm mất lòng ai.

Xem thêm: http://vn.360plus.yahoo.com/tt-66/article?mid=2743

Nhưng chúng sẽ trở nên hung dữ khi có ai đụng tới ổ của chúng, chúng sẽ truy nã, dùng tất cả lực lượng xung kích tấn công “kẻ thù” rất gắt gao và đến hơi thở cuối cùng. Thường xuyên chúng kiểm soát trong vòng bán kính không phận 15m tính từ ổ của chúng và chúng không hề khoan nhượng khi nhận ra kẻ thù đã phá hoại chúng. Có khi kẻ thù sợ hãi đã trốn lặn dưới nước mà chúng vẫn còn bay vờn trên mặt nước, chờ đợi kẻ thù ngoi lên là sẽ đánh liền. Một người bình thường, nếu bị chúng đánh 7 mũi trở đi, chỉ có nước chở đi bệnh viện cấp cứu.

Muốn bắt ong vò vẽ không khó, bởi đường ra vào chỉ là một đường độc đạo, do đó nếu ta khống chế được cửa ngõ ra vào này thì có khả năng bắt trọn đàn ong. Có hai phương pháp: Một là dùng rơm làm con cúi thật lớn hoặc nùi giẻ có tẩm dầu tra vào một cây dài. Đợi đêm đến khi đàn ong cào hết trong tổ, ta chỉ cần mồi lửa rồi cầm cán cây đưa nhanh dầu lửa đang cháy vào miệng tổ, toàn bộ đàn ong bị kẹt bên trong, khi bay ra bị lửa thêu đốt mà chết hoặc cháy rụi cánh rơi xuống đất. Phương pháp hai là: quan sát kỹ đợi đêm đến, ong vào hết trong tổ dùng một cái bao trùm cả tổ ong lại, cột miệng chắc chắn, chặt cành cây và đem tổ ong ngâm sâu dưới nước. Chờ ong thật sự chết hết, là kể như ta lấy được tổ ong, loại bỏ tất cả ong già rồi gỡ từng con ong non cho vào một cái thau pha nước muối loãng, rửa sạch để ráo nước.

Phần bắt tổ ong kể như xong, vậy muốn có cháo để ăn phải làm sao? Khâu này mới là quan trọng. Lấy ít gạo trắng cho vào nồi vo sạch, đổ nước vào và bắc lên bếp nấu thành cháo. Kế đến, bắt chảo lên bếp chờ nóng cho vào một ít mỡ (dầu) chờ sôi lên, đập dập vài tép tỏi bỏ vào, khi thấy tỏi vàng trút hết ong non vào, dung đũa đảo qua đảo lại cho ong chín vàng, bay mùi thơm lừng. Tiếp theo trút hết chảo ong vào nồi cháo đang sôi, khuấy đều, nêm bột ngọt, nước mắm, tiêu đâm nhuyễn, và hành lá xắt nhỏ nhấc xuống.

Hương vị món cháo thật ngọt ngào, béo ngậy kết hợp sự thơm ngon, vị cay nồng đậm của thiên nhiên ban tặng. Vừa ngầy ngậy đặc thù không sao ca ngợi hết về món cháo ong “vò vẽ”, một món ăn đặc sản quả thật khó mà quên được.
Xem thêm:

tiepthi24h.vn - theo Nguyễn Văn Ngộ

Đặc sản ba khía Rạch Gốc

Về với vùng đất Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau), hẳn du khách không khỏi chạnh lòng. Từ trung tâm Tp. Cà Mau, khoảng hơn một giờ đồng hồ đi bằng tàu cao tốc, du khách sẽ đến được với cửa biển Rạch Gốc.


Ngoài các cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, thì chắc chắn những ai đến đây cũng sẽ rất thích thú với một món ăn mà từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương: ba khía.


Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác.


Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không muối lạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.


Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ; ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách.


Với hai món ăn độc đáo từ ba khía Rạch Gốc của vùng đất mũi, du khách nên đến tận địa phương vào những ngày tháng 7, tháng 8 Âm lịch này để được thưởng thức một cách trọn vẹn.

Theo Camau.gov


Lẩu mắm U Minh

Nguyên liệu chính của món Lẫu mắm U Minh cũng là mắm sặc (nhưng phải là mắm ngon). Mắm được nấu rả thịt, lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẫu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sã bằm mịn, phần gốc sã đập giập cho vào lẫu. Bí quyết làm cho nước lẫu có vị béo, thơm và sánh người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẫu mắm hạp với nhiều lọai thịt hay cá tùy thích. Nhưng lẫu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng mới trúng sách.

Ngòai cá ra, lẫu mắm có thể được bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi,...Nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẫu mắm là được thưởng thức rất, rất nhiều lọai rau đồng. Lẫu mắm là món quy tụ nhiều lọai rau hoang dã nhất. Có thể đúng khi nói rằng, không có món ăn nào trên thế giới lại được ăn kèm với nhiều lọai rau như lẫu mắm. Đặc biệt, lẫu mắm của xứ U Minh không thể nào thiếu đọt chọai, rau the, nhãn lòng, bông súng, rau trai, tàu bay, rau mác,v.v….Người ăn sẽ được thưởng thức hương vị: ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay, của nhiều, rất nhiều lọai rau đồng sẵn có ở vùng đất U Minh.

Lẫu mắm đã trở thành món không thể thiếu ở nhiều nhà hàng sang trọng trong cả nước. Về nguyên tắc chế biến đều giống nhau. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có sự khác biệt bởi việc sử dụng lọai thịt cá nào và dùng rau nào ăn kèm cho hợp với phong thổ của quê hương. Song, dù bạn là người xứ nào, nhưng với bữa tiệc lẫu mắm ở rừng U Minh chắc chắn sẽ là dư vị đậm đà, dung dị và da diết không thể nào quên! Bởi nó gợi lại những ấn tượng quá khứ và kỷ niệm của lớp lớp tiền nhân thời mở cõi.

Theo Camau.gov


Chả trứng mực đất Mũi

"Câu mực tuy cực mà vui
Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài"

Trứng mực có gì quyến rũ các ngư phủ đến nỗi trở thành ca dao để trẻ con vùng U Minh thuộc lòng. Người nội trợ trứ danh nào sáng chế món ăn này đến giờ chưa ai biết. Dù vậy, dân câu mực vẫn cứ "lui cui câu hoài" để vừa có tiền lại vừa đáp ứng nhu cầu "khoái ăn trứng mực" của mình, của người.

Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế. Đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Chả cắt từng lát chừng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng. Cuốn từng cuốn, chấm nước mắm nhĩ, hay muối tiêu chanh. Món đặc sản này đem đến cho người ăn cái mềm mại của rau, cái dai mềm của bánh tráng, cái dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, không lẫn được với bất kỳ món ăn nào.

Thường, những miếng chả trứng mực đặc biệt này, người dân quê biển Cà Mau dành đãi khách phương xa. Nó cũng là món quà quý dùng gửi tặng bà con quyến thuộc tha phương kiếm sống, ăn để mà ngậm ngùi thương nhớ quê nhà. Nếu có dịp về xứ biển Cà Mau, bạn nhớ đòi ăn cho được chả trứng mực, vì đó là một món ngon chỉ có ở vùng đất mũi!

Theo Camau.gov


Về Cà Mau ăn rùa rang muối

Rùa hoang dã có nhiều ở rừng ngập mặn Cà Mau. Thế nhưng, loài hoang dã này đang được bảo vệ khỏi bị tuyệt chủng. Muốn ăng rùa rang muối, hãy tìm ăn rùa nuôi!

Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa được thưởng thức cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau. Cách làm như sau:

Cắt cổ rùa lấy huyết, hứng huyết rùa vào chén. Rượu đế trong như mắt mèo hay rượu nếp trắng pha huyết rùa người sành ăn không bao giờ bỏ qua.

Sau đò, trụng nguyên con vào nước sôi chừng vài phút, vớt ra cạo rửa rùa cho sạch nhớt. Cắt cổ rùa hơi khó, không có kinh nghiệm sẽ rất khó cắt thành công, vì vậy không cắt cổ cũng không sao.

Nếu bạn cắt cổ rùa cho chảy hết máu ra thì rang muối xong thịt rùa sẽ trắng như thịt gà, nhìn rất đẹp.

Còn để nguyên con rùa còn sống trụng nước sôi, cạo rửa rồi bỏ vô nồi muối thì khi chín thịt rùa sẽ có màu đỏ bầm, nhìn không đẹp nhưng ăn thịt bổ hơn.

Nếu bạn để rùa sống bỏ vô nồi nước sôi trụng thì phải nấu nước sôi bằng cái nồi hơi lớn hơn con rùa một chút, có nắp đậy kín, nước sôi hé nắp ra bỏ rùa vô rồi đậy lại liền, giằng kín (không thôi rùa giẫy văng nước tùm lum), chừng chút xíu thì rùa chết mới vớt ra cạo rửa.

Chuẩn bị một cái nồi đất to, có nồi đất là tốt nhất, không có nồi đất thì dùng đỡ nồi kim loại đáy dầy. Dùng nồi đất thì tiếng muối nổ đỡ đinh tai nhức óc và không hư nồi, có thể dùng lại nồi nhiều lần.

Còn bạn dùng nồi kim loại đốt khô với nhiệt độ cao và lâu như vậy đáy nồi sẽ bị cháy nên không thể dùng nồi đáy mỏng mà phải dùng nồi loại đáy dày, rang muối xong 1 con rùa thì bạn có hy vọng… bị hư thêm một cái nồi thì rất tốn kém.

Muối hột phải chọn loại hột thật lớn, càng lớn càng tốt, cứ 1 ký rùa thì 1 ký muối.

Đổ muối hột vào nồi, để nguyên con rùa đã làm sạch và ráo nước vào nồi (không cần mổ bụng hay tách mai).

Đậy nắp nồi lại càng kín càng tốt vì càng kín thì rùa càng mau chín. Bắc nồi lên bếp, vặn to lửa cho muối nổ đến khi nào không còn nghe tiếng muối nổ nữa thì nhắc nồi xuống, lấy rùa ra, dùng dao chẻ vỏ, móc bỏ bộ lòng.

Rùa thường ăn các loại nấm, kể cả nấm độc nên không được ăn bộ lòng rùa, dễ bị trúng độc.

Xé thịt rùa ra cho vào dĩa. Vậy là bạn có thể thưởng thức món rùa rang muối chấm muối tiêu chanh hoặc muối ớt kèm với rau răm.

Đưa cay bằng một vài ly rượu nếp trắng mới cảm nhận hết cái hương vị thơm giòn, ngon ngọt, béo ngậy của thịt rùa, vị cay cay của rau răm, rau húng, vị cay nồng, ngòn ngọt của rượu nếp…, mà thầm khâm phục người Cà Mau thời khai hoang lập ấp đã sáng tạo ra cách tận hưởng sản vật trời cho có một không ai ở vùng đất tận cùng Tổ quốc này.

tiepthi24h.vn - Theo VietNamNet

Ăn nhộng ong U Minh

TTO - Thợ ong ở U Minh Thượng sau mỗi chuyến gác kèo lấy mật thường mang phần sáp đầy nhộng ong về. Bà con chòm xóm được một bữa nhộng béo ngậy.

Người ta gạt ong già ra khỏi tảng. Chế nước sôi vào thau rồi thả nguyên tảng ong vào. Phần sáp gặp nước nóng tan chảy ra sền sệt. Dùng một tấm lưới, đổ nước sôi lẫn sáp để lọc nhộng. Sau khi nước sáp chảy qua khe lưới, còn lại trên mặt lưới toàn là nhộng. Người ta tráng nước sơ qua rồi ăn ngay hoặc chế biến.

Nhộng ong có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: chiên, xào, trộn với đậu phộng ăn kèm bánh tráng… Đây là món ăn đơn giản nên có thể nêm nếm nhanh, dễ điều chỉnh gia vị cho hợp khẩu vị. Nhộng ong có vị ngọt béo, bổ dưỡng.

Những mâm rượu của dân “ăn ong” U Minh không trọn vẹn nếu không có một đĩa nhộng ong để lai rai. Cánh đàn ông xem đây là một phương thuốc tăng cường sinh lực. Tuy nhiên, món ong non trông hấp dẫn này không phải ai cũng có thể ăn được. Một số người không hạp món có thể bị dị ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa da nhẹ.

tiepthi24h.vn - theo Bài & ảnh: HẠNH TRÍ


Lẩu cá thòi lòi

Ngày hè oi bức, về Năm Căn, Ngọc Hiển hoặc Đất Mũi (Cà Mau) dân sành ăn thích món canh chua, nhưng phải là "canh chua nấu cá thòi lòi", một món ăn dân dã nhưng đậm đà khó quên.

Tại các quán ăn đặc sản ở Cà Mau, nổi tiếng nhất là quán Đất Mũi có món cá thòi lòi kho tiêu và khô thòi lòi trộn dưa leo, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món canh chua hoặc lẩu cá thòi lòi.

Chọn thòi lòi tươi sống, làm sạch, để nguyên con. Khi nước vừa sôi, cho thêm đường, bột ngọt, nước mắm chính hiệu, sả, ớt, tỏi vào nồi. Muốn có vị chua thơm ngon phù hợp với mùi cá biển có thể dùng me, xoài sống, trái giác… nhưng ngon nhất là tầm ruột đâm nhuyễn. Khi ăn cho thêm quế đất, ngò om, ngò gai xắt nhỏ và các loại rau quả như cà chua, đậu bắp, rau muống, sau đó mới từ từ cho cá vào. Vị ngọt, béo của cá thòi lòi quyện cùng với mùi thơm nồng của quế đất, ngò om, ngò gai bốc lên thơm phức.

Món canh chua cá thòi lòi ăn vào những ngày nắng nóng giúp toát mồ hôi, giải nhiệt rất tốt. Nếu như muốn khẩu vị lạ hơn có thể dùng thêm ít mực tươi hoặc thịt ba rọi, ăn kèm với cơm hoặc bún đều ngon. Dân xa quê lâu ngày thường nhớ đến món cá thòi lòi không phải chỉ vì vị thơm ngon, hấp dẫn mà còn là món ăn gợi nhớ gợi thương đối với những ai đã từng trải qua một thời thơ ấu ở những vùng ven biển cực Nam.

tiepthi24h.vn - Theo SGTT


Cá kèo kho mẳn

Những địa danh gắn liền với con cá kèo là Năm Căn, Cái Nước, Giá Rai (Cà Mau). Cá kèo có vị đặc biệt khó quên do bộ ruột cá béo, mật cá đăng đắng. Ai ăn cá kèo mà không ăn được bộ ruột cá chưa phải là người sành ăn. Cá kèo chế biến được nhiều món: cá kèo kho mắm, nấu canh chua (lẩu cá kèo), làm khô…, và đặc biệt món ăn dễ làm dễ ngon hơn cả là cá kèo kho mẳn

Hình ảnh

Cá kèo mua ở chợ (hoặc đánh bắt được) về cho vào rổ. Xé nhỏ lá chuối tươi bỏ lên và dùng tay chà xát, xả nước lạnh vào cho sạch nhớt. Dùng dao cắt bỏ phần miệng và đuôi cá. Thế là xong. Nhớ đừng chà cá với muối, cũng như cắt cá ra làm đôi khi chế biến như mọi người thường làm cá sẽ cứng và mất ngon. Kế đến, đổ nước vào nồi, đun sôi trước và cho cá kèo vào (nhớ hớt bọt). Cá kèo sợ lửa nên chín nhanh, do đó, phải thăm chừng độ chín của cá bằng cách dùng đũa bẻ cá gãy đôi là được. Sau cùng, thêm gia vị vào như cà chua, nước mắm, bột ngọt, hành lá…, và nêm cho vừa ăn.

Gắp một con cá kèo, cắn phần đầu nơi có ruột cá chậm rãi nhai, và chén cơm nóng có chan thêm vài muỗng nước canh kho mẳn vào, “lùa” một hơi, ta sẽ thưởng thức được hương vị đậm đà khó quên của quê hương miệt biển.

Ngày nay, con cá kèo đã là món đặc sản nơi những nhà hàng và quán ăn sang trọng. Giá cả tăng hay giảm tuỳ theo cung cầu nơi thị trường. Giá dao động hiện nay khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg (tương đương với giá 1kg thịt heo!). Ngoài nguồn cá tự nhiên không đủ cung, người nông dân còn nuôi cá kèo nơi vuông nữa!

tiepthi24h.vn - theo sgtt.com.vn


Mắm kho-bông súng
Ở miền quê Nam Bộ, nhất là vùng Cà Mau (Minh Hải) từ xưa đến nay, mỗi năm, hễ ăn tết xong là dân chúng bắt đầu tát mương vũng, đìa đầm để bắt cá đồng: lóc, trê, rô, thác lác, sặt, v..v...Khi đem về, người ta lựa cá lóc, cá trê thật to để bán; còn lóc, trê nhỏ và rô, thác lác, sặt thì làm mắm, để chờ qua mùa nước nổi-khoảng tháng 7, 8, 9 âm lịch đồ ăn khó kiếm thì giở ra ăn dần...

Mắm lóc, trê chưng (hấp cách thủy) với mỡ, gừng, tiêu, ớt... ăn cũng ngon lắm. Nhưng so với mắm rô, mắm sặt kho thì thua xa. Muốn kho mắm cho ngon, chẳng phải chỉ bỏ mắm vào ơ rồi đổ nước vô kho như các món kho khác. Không ngon đâu! Muốn ngon, các chị miệt vườn đổ nước dừa nạo vào cho xăm xắp, cao hơn mắm cỡ vài phân, rồi bắc lên bếp cho tới khi nào thịt con mắm nhuyễn nhờ, bấy giờ hãy nhắc xuống lọc kỹ, bỏ xương xóc... Xong, các chị lại phải gia vị thêm: sả, ớt, vài trăm gam thịt heo ba rọi (nửa nạc nửa mỡ, xắt mỏng) rồi kho lộn với tép bạc, cá rô, cá trê, hoặc với lươn cũng được. Nhưng lươn phải nướng sơ sơ và xé nhỏ ra, chứ cắt khúc, kho ăn kém ngon; khi nhắc ơ mắm xuống, nên bó thêm một ít lá quế xắt nhuyễn vào.

Mắm đồng kho như thế, nếu để ăn không với cơm thì chẳng có gì thi vị, mà phải ăn kèm với rau sống như: rau dừa, rau chốc, rau nhút, hay cải xà lách... cũng khá ngon miệng. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là mắm kho chấm với rau bông súng hái ở đìa. Tuy nhiên, chẳng phải thứ bông súng nào cũng ngon như nhau. Gặp thứ cọng to bằng ngón tay, ở quê người ta thường gọi là bông súng Ðà Lạt, thì chớ nên hái, vì nó cứng ăn lại lạt; chẳng bì kịp loại bông súng trắng, cọng nhỏ (cỡ chiếc đũa ăn cơm), ăn mềm, lại có "hậu" ngọt. Lúc ăn nhớ tước vỏ cho sạch, rồi ngắt ra từng đoạn hai, ba tấc để sẵn đó. Ai muốn ăn dài, ngắn, tùy ý mà ngắt ra thêm.

Mắm kho-bông súng tuy là món ăm đạm bạc, dân dã nhưng đồng bào nông thôn Nam Bộ , từ già tới trẻ, từ trai tới gái, đều ưa thích và xem nó như là một món ăn quốc hồn, quốc túy. Ngày nay món mắm kho-bông súng dân dã đã có mặt ở các quán cơm loại sang, nhà hàng đặc sản như là một thức ăn "miệt vườn" rất được cư dân đô thị ưa thích. Cũng với món mắm này đầu bếp sẽ thay đổi vài loại rau, cải biên phương cách nấu, gia giảm gia vi... để trở thành món bún mắm (hoặc lẩu mắm).

tiepthi24h.vn - Theo VH-NT


Mắm tép miền Tây
Theo nhà văn Sơn Nam, ở Ðồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều loại mắm: mắm cá lóc, cá rô đồng, cá trê vàng ở miệt rừng U Minh-Cà Mau, mắm Thái Châu Ðốc, tôm chua Gò Công...nhưng độc đáo, dễ ăn, hợp khẩu vị của nhiều người hơn có lẽ phải kể đến mắm tép. Mắm tép miền Tây dễ làm, không cầu kỳ, nguyên liệu lại có sẵn rất nhiều ở vùng sông nước Cửu Long. Nhưng để có những keo mắm tép thật sự thơm ngon, vừa ý, đỏ hồng tỏa hương thơm mùi mắm thì không đơn giản.

Mắp tép chợ Nhu Gia (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên-Sóc Trăng) là loại mắm tép bạc lớn chỉ có vùng nước lợ mới có. Ðây là món ẩm thực độc đáo của Sóc Trăng, được rất nhiều du khách, kể cả Việt kiều thưởng thức và mua về biếu người thân, bạn bè. Tép làm mắm tép Nhu Gia phải là con tép bạc lớn còn sống nhảy. Sau khi rửa sạch, cắt đầu, rửa lại bằng nước muối loãng, để ráo rửa lại bằng rượu gạo 40o, để ráo, sắp vào keo, gài lại bằng sống dừa chế nước muối và đường theo tỷ lệ đã định sẵn đổ vào keo cho ngập sống dừa, sau 20-30 ngày là ăn được. Mắm tép sau vài ngày đổ nước muối, đem nấu lại như lần đầu thì an tâm để cả năm. Mắm tép ăn kèm với thịt ba chỉ luộc kèm với một ít rau sống thì khỏi chê hay cho bún, bánh tráng cuốn lại ăn kèm với vài miếng gừng non, khế chua thì thật tuyệt chiêu.

tiepthi24h.vn - Theo TBDL


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét